Lễ Thất Tịch (七夕) hay còn gọi là ngày lễ tình nhân của Trung Quốc thường được diễn ra vào ngày 7-7 âm lịch hàng năm. Vậy nguồn gốc của ngày lễ Thất Tịch Trung Quốc bắt nguồn từ đâu và có ý nghĩa như thế nào? Hãy cùng Tiếng Trung Times VN tìm hiểu nhé.
Nguồn gốc, ý nghĩa của Lễ Thất Tịch từ đâu?

Lễ Thất Tịch hay còn được gọi là ngày lễ tình nhân của Trung Quốc và các nước phương Đông khác. Ngoài tên Thất Tịch thì ngày lễ này còn được gọi với các tên khác như:
- Thất Thư Đản (七姐誕): Sinh nhật của người chị thứ 7.
- Khất Xảo Tiết (乞巧節): Lễ hội để biểu diễn tài năng của các cô gái
- Xảo Tịch (巧夕): Được cho là ngày mà các cặp đôi yêu nhau tặng cho nhau chuỗi hạt hồng đậu, với mong muốn sẽ có một tình yêu bền lâu bạc đầu mãi mãi bên nhau.
Nguồn gốc của lễ Thất Tịch Trung Quốc
Ngày lễ Thất Tịch Trung Quốc gắn liền với truyền thuyết về câu chuyện tình yêu cảm động của chàng chăn trâu Ngưu Lang và nàng tiên nữ Chức Nữ. Tương truyền rằng, ngày xưa có chàng chăn bò nghèo tên là Ngưu Lang. Trong một lần đi chăn bò đã gặp bảy chị em nhà tiên nữ tắm dưới suối, chàng bèn lén đem hết quần áo của các cô đi giấu. Thấy vậy, các cô chị cử cô em út thứ 7 đi lấy quần áo, giây phút hai người gặp nhau đã phải lòng nhau. Chức Nữ vì thế đã ở lại kết hôn và sống hạnh phúc với Ngưu Lang, họ lần lượt sinh ra 1 người con trai và 1 người con gái.
Ngày dài tháng rộng trôi qua, cuộc sống hạnh phúc của đôi vợ chồng những tưởng cứ vậy mà bên nhau đến cuối đời. Cho đến một ngày Vương Mẫu Nương Nương- mẹ của Chức Nữ đã phát hiện sự vắng mặt của cô trên thiên đình, sau khi biết được cô đã kết hôn với một người phàm trần liền nổi trận lôi đình bắt cô về. Ngưu Lang ôm hai con đuổi theo nhưng đã bị Vương Mẫu Nương Nương rạch một dòng sông vừa sâu vừa dài để ngăn cách hai người, đây chính là dòng sông Ngân( hay còn gọi là dải ngân hà chúng ta nhìn thấy mỗi khi ngước nhìn bầu trời đêm).

Ngưu Lang không vượt qua được dòng sông đó đành ôm con ngồi khóc ngóng trông vợ, phía bờ bên kia Chức Nữ đau khổ ngồi khóc hướng về chồng và con. Cảm động trước tình yêu của hai người nên Ngọc Hoàng đã đặc xá cho họ mỗi năm được đoàn tụ với nhau vào ngày 7-7. Đàn chim Hỉ Thước cũng bay đến kết thành cầu qua sông ngân hà để hai người có thể gặp nhau, đây là ngày hạnh phúc nhất của gia đình trong một năm khi được đoàn tụ. Ngày này cũng được gọi là ngày Ngưu Lang- Chức Nữ.
Mỗi năm đến ngày này thường có mưa to, người đời truyền tai nhau đó chính là nước mắt nhớ nhung lưu luyến của Ngưu Lang và Chức Nữ trước lúc chia xa.

Ý nghĩa ngày lễ Thất Tịch Trung Quốc
Ngày Thất Tịch (七夕) ban đầu chính là ngày để người dân tưởng nhớ đến nàng tiên thứ bảy tên Chức Nữ. Truyền thuyết kể rằng nàng chính là nàng tiên phụ trách thêu thùa dệt vải, dệt lên những đám mây ngũ sắc trên bầu trời, cũng là người phát hiện ra tơ tằm. Mỗi năm vào ngày 7-7 âm lịch hàng năm thường là dịp để con người bày tỏ lòng biết ơn đối với tạo hoá của thiên nhiên ban tặng, cũng là dịp thể hiện lòng tôn kính yêu thương đối với những người phụ nữ giỏi giang khéo léo.
Đây cũng là dịp để các cô gái cầu nguyện có được sự khéo léo đảm đang, và cầu có được sự hạnh phúc viên mãn trong tình yêu, hôn nhân.
Thất Tịch cũng là ngày tưởng nhớ đến tình yêu của Ngưu Lang – Chức Nữ, là ngày đoàn tụ hạnh phúc nhất của gia đình họ. Bởi vậy, sau này lễ Thất Tịch được biết đến như một ngày lễ tình nhân của Trung Quốc.
Phong tục, hoạt động trong ngày Lễ Thất Tịch
Trong ngày lễ Thất Tịch, người Trung Quốc có rất nhiều hoạt động đầy ý nghĩa thú vị, cùng điểm qua một số hoạt động phổ biến dưới đây:
Làm lễ trừ tiên
Lễ trừ tiên chính là làm lễ từ biệt sự độc thân của các cô gái mới cưới, vào tối 6-7 trước lễ Thất Tịch các cô dâu mới sẽ chuẩn bị: gừng, trứng, muối và đặc biệt phải có các loại lê sau đó làm lễ. Bởi từ lê trong tiếng Trung đọc giống từ “ly” trong ly biệt, dành để tạm biệt thời con gái, bước sang trang mới trở thành người đã có gia đình.
Tổ chức cuộc thi xâu kim, thêu thùa
Lễ Thất Tịch Trung Quốc là để tưởng nhớ vị tiên nữ thứ bảy- Chức Nữ, người phụ trách việc dệt vải thêu thùa và truyền nghề cho người dân. Bởi vậy, vào ngày này hàng năm các cô gái sẽ tổ chức cuộc thi xâu kim, thêu thùa để cầu tiên nữ ban cho đôi bàn tay khéo léo, đảm đang nữ công gia chánh.

Ngoài ra, các cô gái còn tổ chức cuộc thi thả kim dưới nước vào tối 7-7, nếu cây kim của cô gái nào nổi trên mặt nước mà có bóng nhỏ như sợi chỉ, như hoa thì cô gái đó sẽ được chọn là người khéo tay nhất.
Trồng cây cầu tự
Ngoài những mong ước cầu nguyện cho sự khéo léo hay đôi lứa hạnh phúc, thì vào ngày Thất Tịch, người dân Trung Quốc còn cầu tự. Những người phụ nữ cầu tự trong ngày này thì sẽ trồng một hạt dẻ trong chậu, sau khi hạt dẻ nảy mầm sẽ dựng các căn nhà mô hình tạo thành ngôi làng nhỏ. Tiếp đó trồng thêm các loại hạt hay đậu xanh trong chậu hạt dẻ đó. Việc làm này với mong cầu sẽ có một đứa trẻ khoẻ mạnh, vui vẻ chào đời.
Mừng sinh nhật trâu bò
Sở dĩ có phong tục mừng sinh nhật trâu bò vào ngày Thất Tịch này chính là để tưởng nhớ đến công lao của chú trâu đã hi sinh bộ da cho Ngưu Lang vượt sông Ngân tìm Chức Nữ. Hàng năm đến ngày lễ, trẻ con sẽ hái hoa tết thành vòng và treo lên sừng trâu bò để ghi nhớ công ơn đó, bởi vậy tục lệ mừng sinh nhật trâu bò được ra đời.

Cúng sao Khôi
Tương truyền rằng vào lễ Thất Tịch Trung Quốc (7-7) hàng năm chính là ngày sinh nhật của sao Khôi. Người dân Trung Quốc cúng sao Khôi với mong cầu công danh, thi cử đạt kết quả cao.
Món ăn phổ biến trong ngày lễ Thất Tịch Trung Quốc
Trong các dịp lễ truyền thống ngoài những phong tục thú vị kể trên thì người dân Trung Quốc còn có một số món ăn được làm vào ngày này, cùng Tiếng Trung Times VN điểm qua nhé:
Sủi cảo

Sau khi làm lễ Khất Xảo (cầu sự khéo léo, nhanh nhẹn cho đôi chân đôi tay để may vá thêu thùa giỏi hơn), 7 cô gái sẽ cùng nhau góp nguyên liệu để làm bánh sủi cảo. Đặc biệt là có 1 cây kim, 1 đồng tiền và một quả táo đỏ làm nhân. Người đời truyền tai nhau rằng, cô gái nào ăn được bánh có cây kim sẽ rất khéo léo, nhanh nhẹn. Ăn phải đồng tiền sẽ có phúc và ăn phải quả táo đỏ thì sẽ sớm kết hôn.
Xảo Tô ( các loại bánh ngọt nhỏ)
Vào ngày Thất Tịch một số tiệm bánh sẽ làm món bánh ngọt Xảo Tô (bánh nhỏ xinh xắn) , những người lớn tuổi tặng bánh cho các cô gái nhỏ với ý cầu chúc người ăn bánh sẽ trở nên thông minh tay chân nhanh nhẹn.

Xảo quả
Nguyên liệu chính của món bánh này chính là: Bột mì, đường, mật ong, dầu. Bột mì sẽ được tạo thành nhiều hình thù nhỏ nhắn, xinh xắn và chiên với dầu. Món bánh này sẽ được bày trên mâm cúng lễ Thất Tịch cùng đài sen, củ gấu đỏ…

Ngũ tử
Đây là một món không thể thiếu trong mâm cúng Chức Nữ của các cô gái trẻ, Ngũ tử bao gồm: đậu phộng, hạt dưa, nhãn nhục, táo đỏ, quả phỉ. Sau khi làm lễ cầu bái xong thì ngũ tử trở thành món ăn vặt của các cô gái trong lúc nói chuyện tâm tình với nhau.
Gà
Thất Tịch hàng năm người dân Trung Quốc sẽ ăn thịt gà trống, bởi họ quan niệm rằng nếu như không có gà trống gáy vào sáng sớm mặt trời sẽ không thức dậy. Như vậy sẽ không sang ngày mới cho Ngưu Lang và Chức Nữ mãi được bên nhau.

Giải đáp Ăn chè đậu đỏ trong ngày Thất Tịch có ý nghĩa như thế nào?
Theo quan niệm của nhiều nước phương Đông, màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc…bởi vậy, vào ngày lễ Thất Tịch nhiều người ăn chè đậu đỏ thể hiện sự mong cầu hạnh phúc trong tình yêu đôi lứa mãi bền lâu không chia cắt. Đối với người chưa có ý trung nhân sẽ cầu gặp được người như ý nguyện, thoát kiếp FA.

Ngoài món chè đậu đỏ ra thì vào ngày Thất Tịch cũng có rất nhiều món ăn khác được làm từ đậu đỏ như: Kem cá đậu đỏ, cháo đậu đỏ, bánh bao nhân đậu đỏ…được mọi người rất ưa chuộng.
Cũng chưa ai kiểm chứng được chắc chắn khi ăn chè đậu đỏ sẽ mãi bền vững trong tình yêu hay thoát kiếp FA. Tuy nhiên, nếu không thành hiện thực thì món chè này cũng rất tốt cho sức khoẻ trong những ngày mưa ngâu dành cho bạn.
Trên đây là tất tần tật về nguồn gốc, ý nghĩa, phong tục của ngày lễ Thất Tịch Trung Quốc mà Tiếng Trung Times VN muốn gửi đến bạn. Hi vọng Thất Tịch năm nay bạn sẽ có được niềm hạnh phúc viên mãn như ý nguyện!
Bản quyền nội dung thuộc Tiếng Trung Times VN
Bài viết liên quan