Trong lòng Trung Quốc, một quốc gia rực rỡ với văn hóa độc đáo và ẩm thực đa dạng, mì trường thọ đã trở thành một biểu tượng văn hóa không thể tách rời. Với sợi mì mềm mịn và hương vị tuyệt vời, mì trường thọ Trung Quốc không chỉ là một món ăn, mà còn mang trong nó câu chuyện về truyền thống, sức khỏe và sự trường thọ.
Nguồn gốc và ý nghĩa của mì trường thọ
Tại sao lại gọi là mì trường thọ? Tương truyền rằng vào thời nhà Hán, Hán Vũ Đế tin vào ma và thần. Trong một lần ngồi nói chuyện với các quan đại thần về tuổi thọ con người. Hán Vũ Đế nói:” Trong sách nói rằng nhân trung của người mà dài thì tuổi thọ càng lâu”. Bỗng nhiên quan đại thần Đông Phương Sóc cười lớn, Hán Vũ Đế hỏi ông đang cười gì, ông giải thích rằng:” Thần không cười bệ hạ mà là đang nghĩ về Bành Tổ, nếu người có nhân trung dài 1 tấc có thể sống thọ thêm 100 tuổi vậy Bành Tổ 800 tuổi thì mặt dài bao nhiêu đây.”

Các quan đại thần khác ai nấy nghe xong đều bật cười lớn, quả thật không thể làm mặt dài hơn để có thể sống lâu. Và người dân Trung Quốc đã nghĩ ra một cách độc đáo để thể hiện mong muốn của mình qua sợi mì.
Họ có câu ““脸长就是面长 (liǎn chǎng jiù shì miàn chǎng) tức là: mặt dài chính là mì dài. Cả từ 脸 (liǎn) và 面 (miàn) đều mang nghĩa là mặt, tuy nhiên từ 面 (miàn) còn biểu thị nghĩa khác là mì. Qua đó, người dân Trung Quốc mượn sợi mì dài để thể hiện mong ước trường thọ, sống lâu của mình. Mì trường thọ Trung Quốc cũng từ đó xuất hiện và phát triển đến ngày nay.
Ý nghĩa của mì trường thọ
Trải qua thời gian phát triển lâu dài, ý nghĩa của món mì trường thọ ở Trung Quốc không thay đổi. Với mong ước gia tăng tuổi thọ và sức khoẻ thì mì trường thọ đã là món ăn không thể thiếu trong ngày sinh nhật của người dân. Trước đây, thay vì tặng bánh sinh nhật thì mọi người tặng nhau bát mì trường thọ như một lời chúc tốt đẹp nhất hi vọng người nhận sẽ khoẻ mạnh sống lâu trăm tuổi.

Ngày nay, mì trường thọ cũng trở thành món ăn không thể thiếu trong dịp tết Nguyên Đán của người Trung Quốc. Sợi mì dài dai tượng trưng cho mong ước một năm mới khoẻ mạnh, tuổi thọ ngày càng tăng.
Nét đặc trưng của mì trường thọ so với các món mì khác
Mì là món ăn đặc trưng ở Trung Quốc, có rất nhiều món mì khác nổi tiếng như mì Biang Biang, mì khô Vũ Hán, mì xào thịt bò Lan Châu… Tuy nhiên, mì trường thọ không chỉ xuất hiện ở một vùng miền nào đó của Trung Quốc, mà món mì này như là mì quốc dân vào mỗi dịp sinh nhật, năm mới khắp nơi trên đất nước tỷ dân.

Khác với các món mì khác, mì trường thọ có sợi mì dài không cắt và 1 bát mì chỉ có 1 sợi duy nhất. Khi ăn mì trường thọ phải ăn liền một hơi cả sợi mì khi đưa vào miệng, như vậy tuổi thọ mới ngày càng tăng. Đặc biệt không được làm cho sợi mì bị đứt đoạn hay cắn đứt giữa chừng, bởi theo quan niệm của người dân Trung Quốc thì như thế sẽ không may mắn.
Ngày nay, món mì trường thọ không chỉ được yêu thích ở Trung Quốc, mà còn được các thực khách từ khắp nơi trên thế giới mong chờ thưởng thức mỗi khi đến đây du lịch.
Cách làm mì trường thọ dẻo, dai
Để làm nên món mì trường thọ Trung Quốc dẻo dai chuẩn hương vị đặc biệt này, người làm cần có kỹ thuật cao và kinh nghiệm lâu đời mới có thể cho ra sợi mì trường thọ đậm chất truyền thống. Có nhiều phương pháp để làm nên sợi mì trường thọ, dưới đây là ba cách phổ biến nhất:

1. Phương pháp kéo căng bột
Bột sau khi nào nặn được kéo căng nhiều lần để tạo nên sợi mì, đây là phương pháp thủ công đòi hỏi người làm cần có kinh nghiệm dày dặn. Bột làm nên sợi mì cũng yêu cầu khắt khe về chất lượng và độ chín của nó.
2. Phương pháp cán và ép bột
Bột được cán nhiều lần thành từng miếng, sau đó cắt thành sợi mì tươi, tiếp đó mang sợi mì đi phơi hoặc sấy khô tạo thành sợi mì khô. Chất lượng của bột là yếu tố quan trọng đầu tiên để làm nên sợi mì trường thọ, ngoài ra thời tiết, điều kiện sản xuất cũng là những yếu tố không thể bỏ qua khi làm sợi mì này.
3. Phương pháp ép đùn
Bột sau khi nhào nặn đạt tiêu chuẩn thì cho vào khuôn nén áp lực để ép và đùn bột thành dải từ những lỗ khuôn. Phương pháp này thường được sử dụng khi làm mì bằng bột hạt thô trộn lúa mì hoặc tất cả bột ngũ cốc thô.
Cách nấu mì trường thọ Trung Quốc
Nếu bạn muốn thưởng thức món mì trường thọ chuẩn vị truyền thống nhất thì hãy ghé Chiết Giang- quê hương của món mì này. Mì trường thọ Trung Quốc ngày nay được chế biến theo nhiều cách khác nhau tuỳ theo khẩu vị và sở thích của mỗi người. Dưới đây Times VN sẽ giới thiệu đến bạn cách nấu mì trường thọ đơn giản nhất:

Nguyên liệu:
- Một gói mì sợi
- Rau cải ngọt
- Tôm, nấm, cà rốt
- Gia vị như: Muối, dầu, nước sốt mè
- Trứng luộc
Cách nấu mì trường thọ
Bước 1: Bạn bỏ sườn chần qua nước, và đun sôi. Thêm một số loại như: gừng thái chỉ, hành lá, lá thơm, hoa hồi, rượu nấu, nêm muối cho vừa ăn sau đó đun trong 1,5 tiếng.
Bước 2: Trong lúc đợi nước dùng bạn rửa sạch nguyên liệu: tôm, rau, trứng, nấm… và cho vào nấu chín ( có thể xào hoặc luộc theo sở thích).
Bước 3: Đun một nồi nước sôi khác rồi luộc mì trong đó, khi mì chín bạn vớt ra tô. Sau đó cho đồ ăn kèm vào bát và đổ nước dùng đã đun lên trên.
Như vậy chúng ta đã có được một bát mì trường thọ đơn giản đúng theo ý thích rồi đó.
Với nguồn gốc từ xa xưa, mì trường thọ Trung Quốc không chỉ đơn giản là một món ăn, mà còn là biểu tượng của sự mong ước trường thọ, may mắn và thành công trong đời sống hàng ngày, mì trường thọ đã trở thành một biểu tượng văn hóa không thể thiếu của người dân nơi đây vào mỗi dịp sinh nhật, lễ tết. Times VN hi vọng qua bài viết trên của đã giúp các bạn hiểu rõ hơn về nguồn gốc, ý nghĩa và cách làm món mì trường thọ của Trung Quốc.
Bản quyền nội dung thuộc Tiếng Trung Times VN
Bài viết liên quan